Theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu (Đại học Y Hà Nội), bệnh trĩ có những biến chứng gây nguy hiểm cho người mắc phải như: làm tắc nghẽn ống hậu môn, chảy máu, gây đau đớn và bội nhiễm.
Thậm chí, trĩ còn có thể là bệnh, biểu hiện triệu chứng của bệnh ung thư trực tràng.
Khi áp lực trong ổ bụng, áp lực trong trực tràng và trong ống hậu môn tăng cao sẽ làm cho tĩnh mạch trực tràng và hậu môn bị phình, giãn ra bởi chất lượng của tổ chức mô kém gây nên bệnh trĩ.
Có rất nhiều người mắc bệnh trĩ và phần lớn đều coi nhẹ bệnh này cho đến khi bệnh phát triển đến giai đoạn muộn khi trĩ phình to, thòi ra ngoài hậu môn, gây chảy máu, đau đớn cho người bệnh. Hiện nay, nhân viên văn phòng phải đối mặt với căn bệnh này khá nhiều do tính chất công việc căng thẳng, phải ngồi nhiều lại ít vận động.
Trĩ có hai loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Một người bệnh có thể bị trĩ nội hoặc trĩ ngoại nhưng cũng có những người vừa mắc trĩ nội vừa mắc trĩ ngoại. Trong đó trĩ nội gây nhiều rắc rối cho người bệnh hơn cả vì khi đi ngoài, rặn mạnh, áp lực ổ bụng tăng có thể làm trĩ phình to gây đau đớn, chảy máu. Thậm chí, khi bệnh đã quá nặng, trĩ có thể bị thòi ra ngoài vì rặn đi ngoại, chạy, nhảy, đứng lâu, ngồi lâu ho mạnh…
Bệnh trĩ nội ở cấp độ nặng nhất khi áp lực ở ổ bụng tăng lên, búi trĩ thường xuyên thòi ra ngoài hậu môn phải dùng ngón tay đẩy lên và đẩy lên trĩ vẫn có thể thòi ra.
Nguyên nhân gây bệnh
Những người bị viêm đại tràng mãn tính, táo bón kéo dài, nhịn đại tiện thời gian lâu, ngồi nhiều, ít vận động hoặc mang vác nặng trong thời gian dài làm áp lực ổ bụng tăng, ho dai dẳng, viêm họng mãn tính, chế độ ăn uống thiếu chất xơ, rau xanh nghiêm trọng gây ra táo bón kéo dài … có nguy cơ bị mắc trĩ nhiều hơn.
Chứng táo bón kinh niên sẽ dẫn đến bệnh trĩ
Biến chứng nguy hiểm của bệnh trĩ
Người bệnh mắc trĩ thường chủ quan, cho rằng bệnh chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà không lường được những biến chứng nguy hiểm của bệnh trĩ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Đau đớn và chảy máu: Mắc trĩ ở cấp độ nặng nhất, búi trĩ sẽ thòi ra ngoài, gây đau đớn cho người bệnh do bị cọ sát trong khi vận động.
Trĩ quá nặng sẽ khiến thành mạch máu giãn mỏng nên rất dễ thủng, dễ rách và chảy máu gây mất máu. Nếu chảy máu nhiều và tình trạng này kéo dài sẽ làm người bệnh bị thiếu máu. Khi đó, biến chứng này của bệnh trĩ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tắc nghẽn: Búi trĩ to, máu dễ đông lại thành cục, gây tắc nghẽn và đau dữ dội cho người bệnh.
Bội nhiễm: Đây là biến chứng rất nguy hiểm có thể dẫn tới mắc các bệnh tật khác do bội nhiễm.
Khi trĩ thòi ra ngoài lâu gây chảy máu, nứt hậu môn, thậm chí rặn quá nhiều còn ảnh hưởng tới tầng sinh môn. Nứt, rách hậu môn và tầng sinh môn rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn từ phân và nước tiểu.
Đề phòng mắc bệnh trĩ
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu (Đại học Y Hà Nội) cảnh báo, “Không nên để bệnh trĩ đến giai đoạn muộn mới điều trị vì dễ xảy ra biến chứng hơn và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu mức độ của bệnh trầm trọng, nhất là để mất máu, nhiễm khuẩn sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh, đặc biệt là gây nhiễm khuẩn huyết.”
Ai cũng có thể mắc bệnh trĩ nếu có thói quen ăn uống sinh hoạt thiếu khoa học. Bởi vậy, cần đề phòng bệnh bằng cách tạo thói quen sinh hoạt khoa học hàng ngày như:
- Chú ý vệ sinh sạch sẽ hậu môn.
- Chế độ ăn uống nhiều chất xơ, rau quả. Tránh các chất kích thích như cà phê, nước chè, rượu, và các gia vị cay, nóng như ớt, hạt tiêu… Nếu bị táo bón nên điều trị ngay bằng cách ăn nhiều rau xanh, khoai lang, chuối… đều là những thực phẩm giúp đẩy lùi chứng táo bón.
- Uống nhiều nước.
- Tập thói quen đi ngoài đều đặn hàng ngày vào một giờ nhất định.
- Tập thót hậu môn từ 30-50 lần mỗi sáng ngủ dậy và trước khi đi ngủ.
- Không ngồi lâu một chỗ, nên vận động nhẹ nhàng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét