CHỮA BỆNH TRĨ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Trĩ là một bệnh do tĩnh mạch trực tràng hậu môn bị dãn rộng và sung huyết. Đám tĩnh mạch ở dưới niêm mạc gồm nhiều xoang tĩnh mạch to nhỏ, không đều nhau. Khi nó dãn ra gây nên búi trĩ vì vậy có thể có một búi trĩ riêng biệt hoặc nhiều búi trĩ dính vào nhau.
CHỮA BỆNH TRĨ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Chữa bệnh trĩ bằng y học cổ truyền
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trĩ (tức là nguyên nhân làm dãn xoang tĩnh mạch).
Theo y học hiện đại. Trĩ có thể do các nguyên nhân sau đây. Nguyên nhân cơ học: Bệnh xơ gan làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa làm ứ trệ máu ở xoang của đám rối làm cản trở máu về tĩnh mạch chủ dưới. Máu ứ lâu ngày gây dãn xoang tạo nên búi trĩ.
Táo bón lâu ngày, đi ngoài phải rặn nhiều, phân cản trở tuần hoàn ở đám rối dưới niêm mạc lâu ngày gây nên trĩ.
Nguyên nhân viêm nhiễm: Thường xảy ra sau thời gian bị kiết lị, viêm đại tràng  . Viêm làm tổn thương mô dưới niêm mạc, thương tổn đến mạch máu gây ra máu và tạo thành búi trĩ lòi ra hậu môn.
Nguyên nhân thường gặp là mô liên kết dưới niêm mạc trực tràng hậu môn yếu, tổ chức lỏng lẻo do đó trĩ sa xuống kèm theo sa niêm mạc. Hoặc do cơ nâng hậu môn, cơ thắt hậu môn làm cản trở tuần hoàn vùng hậu môn gây nên dãn tĩnh mạch tạo thành các búi trĩ.
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân bệnh trĩ cơ bản giống y học hiện đại. Từ 2000 năm nay trong Hoàng đế nội kinh đã ghi rằng nguyên nhân sinh ra bệnh trĩ là do cân mạch bị dãn rộng. Phát sinh ra bệnh trĩ không đơn giản chỉ do bệnh lí tại chỗ mà còn do cơ thể âm dương, khí huyết không điều hòa. Bên ngoài do lục dâm, bên trong do thất tình.
1. Ngoại là : Thấp nhiệt sinh kiết lị, kiết lị lâu ngày rặn nhiều sinh trĩ.
2. Đại trường tích nhiệt : Đại tiện táo bón lâu ngày sinh trĩ.
3. tì vị mất điều hòa, thấp nhiệt dồn xuống giang môn, khí huyết hư hao, đa tiện mót rặn thành trĩ.
4. Ăn uống không điều hòa, khi no quá, khi đói quá, uống rượu , ăn nhiều thức ăn cay nóng gây táo bón lâu ngày sinh trĩ.
5. lao động nặng nhọc, ngồm xổm, phụ nữ có thai hay nín nhịn đi đại tiện lâu ngày gây trĩ.
Trên đây là những nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh trĩ. Cổ nhân có câu : “Thập nhân cửu trĩ” để nói lên bệnh trĩ rất phổ biến và cũng là một trong những bệnh được điều trị sớm trong y học cổ truyền.
Các tác giả đều thấy rằng chỉ điều trị bệnh trĩ khi nó gây phiền phức như đau, chảy máu, sa ra ngoài hậu môn, viêm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Phương pháp chữa bệnh trĩ có thể là điều trị bảo tồn và điều trị không bảo tồn. 
Y học hiện đại có các phương pháp chữa bệnh trĩ như uống thuốc, đặt thuốc tại chỗ, tiêm gây chai, đốt điện, đông lạnh, thắt trĩ, mổ trĩ.
Y học cổ truyền cũng có nhiều phương pháp như châm cứu, uống thuốc, ngâm thuốc, đắp thuốc, xông bôi thuốc, vv.
Mỗi phương pháp điều trị của y học hiện đại hay y học cổ truyền đều cho tỉ lệ kết quả khác nhau. Hiện nay việc điều trị còn nhiều hạn chế. Dưới đây là phương pháp điều trị bệnh trĩ tại Viện y học cổ truyền Việt Nam trong 35 năm qua.
Phương pháp điều trị bảo tồn
Nguyên tắc điều trị là thanh nhiệt, trừ thấp, lương huyết, hoạt huyết, chỉ huyết.
Những bài thuốc thường dùng: 
1. Trĩ số 8 có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, nhuận táo. 
Công dụng chữa các loại trĩ nội, ngoại, trĩ viêm, táo bón chảy máu khi có đợt tiến triển.
Những người tì vị hư hàn, đại tiện lỏng không dùng thuốc này.
Thành phần gồm : Thổ hoàng liên, rau má, kim ngân, có nhọ nồi, lá vông, kim tiền thảo, cam thảo nam. Ngày 50g, sắc uống.
2. Trĩ số 9 có tác dụng lương huyết, hành huyết trừ thấp nhiệt. 
Công dụng chữa trị nội ngoại viêm, trĩ viêm nghẹt, chảy máu tiến triển.
Thành phần: Cam thảo nam, huyết giác, tô mộc, cỏ nhọ nồi, trần bì, lá móng, mộc hương, nghệ, hậu phác. Ngày 50g, sắc uống.
3. Cao tiêu viêm có công dụng hành huyết, phá ứ. Ngày uống 70ml, chia 2 lần, sáng và chiều. 
Trị đau, phù nề, dùng trước trong và sau khi làm thủ thuật phẫu thuật vùng hậu môn.
Thành phần: lá móng, ngải cứu, huyết giác, tô mộc, nghệ.
4. Bột ngâm trĩ. 
Thành phần: hạt cau, hoàng bá, đảm phàn.
Thuốc được tán bột, đóng gói 10g/gói. Khi dùng bệnh nhân chỉ việc cho thuốc vào nước sôi để nguội ngâm hậu môn 10 phút. Ngày ngâm 1 - 2 lần. Thuốc thường kết hợp:
Cao tiêu viêm + trĩ số 8 + bột ngâm
Cao tiêu viêm + trĩ số 9 + bột ngâm
Phương pháp điều trị nội khoa y học cổ truyền đạt kết quả cao với trĩ nội chảy máu, viêm.
Đối với trĩ có chỉ định thủ thuật hay phẫu thuật điều trị nội khoa chỉ là phương pháp cầm cự tạm thời nhằm cầm máu, tiêu viêm trước khi phẫu thuật hay làm thủ thuật.
Phương pháp điều trị không bảo tồn
Y học cổ truyền Việt Nam có nhiều kinh nghiệm chữa trĩ các loại. Trong dân gian cũng lưu truyền nhiều kinh nghiệm chữa trĩ.
1 Khô trĩ tán A 
Thành phần: Thạch tín, phèn phi, thần sa, ô mai, novocain. Viện y học cổ truyền đã dùng chữa cho 10465 bệnh nhân từ 1957 – 77, kết quả đạt 80% trĩ rụng.
Chỉ định điều trị với trĩ nội độ II, III đơn thuần và có biến chứng viêm tắc tĩnh mạch.
Đây là một biện pháp đơn giản, dễ áp dụng nhưng cần phải có sự khám bệnh, xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi của bác sĩ y học hiện đại.
Phương pháp chữa trĩ bằng khô trĩ tán bôi lên búi trĩ còn có mấy nhược điểm là bệnh nhân bị đau; trĩ xơ chai chứa không có kết quả.
Có thể dùng phương pháp kết hợp y học hiện đại với bôi khô trĩ tán.
Dùng novocain 3% + cồn 90º tiêm vào các búi trĩ sau đó bôi khô trĩ tán lên mặt và các khe kẽ của búi trĩ cho đến khi trĩ rụng (chỉ tiêm ngày đầu tiên).
Kết quả điều trị 429 bệnh nhân (1976 – 85) như sau: 
Trĩ hoại hoàn toàn 405 bệnh nhân, đạt 94, 5%
Trĩ hoại tử còn gờ xơ 8 bệnh nhân, đạt 1, 85%
Trĩ không hoại tử còn 16 bệnh nhân, đạt 3, 7%
Bệnh nhân giảm đau rõ, nhiều bệnh nhân không đau, các rối loạn như bí đái ít xảy ra.
2. Khô trĩ tán B
Thành phần của bài thuốc trĩ tán A chủ yếu là thạch tín mà thạch tín lại có độc. Những người có chức năng gan thận yếu mang thai, cho con bú, già không dùng được. Bởi vậy, viên dùng công thức thuốc mới gọi là khô trĩ tán B.
Thành phần : nha đảm tử, khô phàn, đảm phàn, novocain.
Bôi khô trĩ tán B lên bề mặt và khe kẽ các búi trĩ sau khi đã tiêm novocain 3% + cồn 90º
Đã triều trị 245 bệnh nhân đạt kết quả trĩ rụng hết 75%, còn gờ xơ 23%, trĩ không rụng 2%.
Thuốc bào chế đơn giản, rẻ tiền, nguyên liệu sẵn.
3. Khô trĩ tán C
Cải tiến khô trĩ tán B thành khô trĩ tán C.
Thành phần: Nha đảm từ, đảm phàn, băng phiến, khô phàn, ô mai, novocain.
Bôi khô trĩ tánđộ C lên bề mặt khe kẽ các búi trĩ sau khi tiêm novocain 3% + cồn 90º, điều trị 50 bệnh nhân kết quả : trĩ rụng hoàn toàn 80%, trĩ rụng còn xơ 18%, trĩ không rụng 2%
Bôi khô trĩ tan kết hợp với tiêm novacain 3% + cồn 90º tác dụng tốt với trĩ nội II, III chưa xơ chai. Kết quả kèm với trĩ nội xơ chai và không kết quả với trĩ ngoại và trĩ thể niêm mạc.
Hiện nay viện y học cổ truyền Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương pháp kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong việc chữa bệnh trĩ có kết quả hơn.

GS. Hoàng Bảo Châu




Bài viết liên quan

HÀNH TRÌNH CHỮA TRỊ BỆNH TRĨ

CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ BỆNH TRĨ

1 nhận xét:

  1. Bài viết cho em chi tiết trĩ số 8 : các vị thuốc khô hay tươi và mỗi vị bao nhiêu lượng ạ?

    Trả lờiXóa